Quy trình chứng nhận VOFcert của ODC được mô tả theo các bước chung. Tuy nhiên, đối với từng loại chứng nhận (chứng nhận hữu cơ, chứng nhận sản phẩm sạch và chứng nhận sản phẩm an toàn) sẽ có các tiêu chuẩn cụ thể.
Ngày đăng: 15-05-2015
26,181 lượt xem
Quy trình chứng nhận VOFcert (Viet Nam Organic Food Certification - VOFcert)
Tiêu chuẩn hữu cơ VOFcert là hệ thống chứng nhận thực phẩm sạch, an toàn và hữu cơ của Trung tâm phát triển và chứng nhận hữu cơ Việt Nam (Organic Development & Certification Center of Viet Nam- sau đây gọi tắt là ODC). Hệ thống này được hoạt động dựa trên nguyên tắc cùng tham gia của các bên. Trong đó, ODC chịu trách nhiệm hướng dẫn người nông thực hiện trồng rau hữu cơ bằng các tiến bộ khoa học của thế giới, đồng thời giám sát quá trình sản xuất của người nông dân về mặt kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm người nông dân làm ra càng ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng và mọi người trong xã hội tự nguyện tham gia vào tiến trình giám sát để đảm bảo người nông dân được giám sát thường xuyên và liên tục. Cuối cùng, doanh nghiệp phân phối tham gia giám sát và hỗ trợ người nông dân để đảm bảo họ sản xuất sản phẩm theo đúng chuẩn nhằm bảo vệ thương hiệu của chính doanh nghiệp.
Việc cấp chứng nhận VOFcert (chứng nhận hữu cơ, chứng nhận sản phẩm an toàn, chứng nhận sản phẩm sạch) có thể được thực hiện cho các hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sạch, tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn tự nhiên của ODC. ODC có một hệ thống riêng giám sát ở tất cả các khâu chạy dọc suốt chuỗi giá trị của sản phẩm được chứng nhận. Hệ thống này được quản lý bởi ODC (VOF - Tiến trình cấp chứng nhận VOFcert cho các đối tượng) với sự tham gia của doanh nghiệp, người tiêu dùng tình nguyện và của toàn xã hội. Khi được cấp chứng nhận thì các đối tượng được phép sử dụng dấu hiệu nhận diện của VOFcert.
Để nông dân có được chứng nhận VOFcert, toàn bộ tiến trình chung được thực hiện như sau:
Bước 1: Người nông dân liên hệ trực tiếp với ODC hoặc doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân đăng ký. Người nông dân phải tham gia khóa tập huấn về tiêu chuẩn VOFcert, sau đó hoàn thành và ký Cam Kết của mình (VOF-BM. Cam kết của người nông dân) để chứng tỏ sự tự nguyện làm theo các tiêu chuẩn và thủ tục cấp chứng nhận VOFcert của ODC. Cùng với bản cam kết này, nông dân cũng sẽ phải hoàn thành và nộp lại cho ODC một bản Kế hoạch quản lý đồng ruộng theo hướng dẫn của ODC (VOF-Kế hoạch quản lý đồng ruộng) và chúng được giữ trong hồ sơ dữ liệu.
Bước 2: ODC sẽ thẩm định Kế hoạch quản lý đồng ruộng của nông dân có được hoàn thành đầy đủ không. Nếu hoàn thành ODC sẽ tiến hành thẩm định trực tiếp trên đồng ruộng. Nếu chưa hoàn thành ODC sẽ hướng dẫn lại để đảm bảo người nông dân hoàn thành.
Bước 3: Người nông dân và đồng ruộng của họ sẽ được thẩm định bởi các chuyên gia đánh giá của ODC. Kết quả thẩm định được ghi nhận bằng văn bản và được ký bởi nông dân và các chuyên gia tham gia vào quá trình thẩm định.
Bước 4: Dựa trên báo cáo thẩm định theo danh mục tiêu chuẩn và các báo cáo khác ( ví dụ báo cáo kết quả kiểm tra đất và nước) cũng như kiểm tra bản Cam kết của người nông dân và kế hoạch quản lý đồng ruộng, Hội đồng chứng nhận ODC sẽ ra quyết định về việc cấp chứng nhận cho các ruộng: Đạt, cần khác phục phòng ngừa và chưa đạt. Quyết định sẽ được gửi tới người nông dân, doanh nghiệp hỗ trợ trong đó bao gồm cả các yêu cầu về hành động khắc phục, phòng ngừa đối với những mục chưa đạt. Ngoại trừ trường hợp đạt, các trường hợp khác ODC sẽ hướng dẫn để khắc phục và phòng ngừa những điều chưa đạt. Sau đó ODC sẽ tái thẩm định cho đến khi đạt.
Bước 5: ODC sẽ nhập các thông tin tóm tắt của từng nông dân vào hệ thống dữ liệu và gửi giấy chứng nhận tới nông hộ có giá trị trong 1 năm kể từ ngày thẩm định. Mỗi giấy chứng nhận của nông dân có ghi số nhận diện (số ID) của từng nông dân gồm cả mã số cho nông dân và ODC.
Bước 6: Các khu vực sản xuất của nông dân sẽ được thẩm định lại hàng năm. Giám đốc chứng nhận của ODC sẽ điều khiển tiến trình tái thẩm định. Trước khi thẩm định, nông dân phải cập nhật Kế hoạch quản lý đồng ruộng và kiểm tra hồ sơ ghi chép của họ (ghi chép vật tư đầu vào đã được sử dụng và việc bán sản phẩm).
Bước 7: Tiến trình thẩm định, ra quyết định và phê chuẩn theo các bước từ 3 đến 5 ở trên.
Kiểm tra dư lượng: Khu vực sản xuất sẽ được chọn ngẫu nhiên một tỉ lệ đại diện để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các loại cây đang trồng trên đồng ruộng. Việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được giám sát bởi ODC và thực hiện bởi các cơ quan chứng năng có thẩm quyền.
Bước 8: Hàng năm, Giám đốc chứng nhận của ODC sẽ chọn ngẫu nhiên một tỷ lệ đại diện các báo cáo thẩm định để các thành viên của ODC tái thẩm định các khu vực sản xuất này và báo cáo tới hội đồng chứng nhận ODC về các kết luận tái thẩm định theo tiêu chuẩn. Hội đồng chứng nhận sẽ thông qua các báo cáo này và ra quyết định phê chuẩn hoặc thay đổi tình trạng chứng nhận cho nông dân. Những khu vực được tái thẩm định sẽ được đánh dấu trong hệ thống dữ liệu.
Tất cả các thông tin về đơn vị được chứng nhận, đơn vị bị rút giấy chứng nhận được công khai trên website tại địa chỉ http://chungnhanhuuco.net